Lí do bạn chọn bảng tương tác thông minh
Bạn đã biết về bảng tương tác thông minh, nhưng chưa biết thiết bị này có thể làm gì cho bạn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những lý do chính tại sao bạn nên có bảng tương tác trong các lớp học của mình.
Giúp học viên chủ động trong học tập
“Bảng tương tác thì khác gì máy chiếu?” Có không ít giáo viên hỏi tôi câu này khi họ mới được biết về bảng tương tác.
Đúng vậy, bạn có thể sử dụng bảng tương tác như một máy chiếu thông thường. Bạn có thể sử dụng nó để chiếu các trang chiếu powerpoint, hay cho học viên xem một đoạn phim phục vụ bài học.
Tuy nhiên, chiếc bảng tương tác không chỉ là công cụ trình chiếu. Việc học với bảng tương tác khác với việc chúng ta sử dụng trang chiếu thông thường hay xem 1 đoạn phim. Với thiết bị này, học viên và giáo viên có thể chủ động lựa chọn nội dung học, tiến trình học và quan trọng nhất là cho phép học viên có thể tự mình tương tác với nội dung bài học.
Vào tiết Hoá Học, chiếc bảng tương tác có thể trở thành một phòng thí nghiệm, cho phép học viên có thể kết hợp các chất với nhau để tìm hiểu về phản ứng hoá học mà không sợ cháy nổ. Vào giờ Vật Lý, giáo viên lại có thể sử dụng bảng để mô phỏng và cho học viên trực tiếp thử nghiệm các hiện tượng hoặc công cụ vật lý từ đơn giản như cân bằng, mặt phẳng nghiêng đến các hiện tượng phức tạp hơn như hệ thống ròng rọc, mạch điện hay lực hấp dẫn…
Tất cả những điều này giúp học viên có sự trải nghiệm và chủ động hơn rất nhiều so với trước đây.
Thiết bị không thể thiếu trong phòng học thông minh
Trước đây khi nói đến phòng học thông minh, người ta thường hình dung đến một phòng học với rất nhiều máy tính. Mỗi chiếc máy được đặt trên một chiếc bàn được ngăn từng ô cho học sinh ngồi. Học sinh sử dụng máy tính, tai nghe và mic để bổ trợ cho việc học của mình.
Đó là mô hình phòng học thông minh phổ biến cách đây hơn 10 năm trước và đang dần bị loại bỏ do tính tương tác giữa các học viên với giáo viên và giữa các học viên với nhau rất kém. Tôi vẫn gọi đây là mô hình phòng học “Tự kỷ tập thể” hay như một người bạn giáo viên của tôi nói đó là một “Công cụ tuyệt vời dành cho các học viên sống ảo, muốn chat với bạn bè ngồi bên cạnh thay vì nói chuyện trực tiếp.”
Hiện nay mô hình phòng học này đã được các nước tiên tiến dần dần loại bỏ và chỉ sử dụng cho sinh viên tự học hoặc trong một số giờ thực hành nhất định cần tới máy tính.
Trong hệ thống phòng học thông minh mới, chiếc bảng tương tác đóng vai trò trung tâm. Việc đưa bảng tương tác vào giảng dạy không chỉ là việc cải tiến công cụ giảng dạy hay đầu tư thêm cơ sở vật chất. Nó là thành tố quan trọng để triển khai phương pháp học tập kết hợp (hay còn gọi là phương pháp học tập đa giác quan) trong môi trường giáo dục hiện đại.
Bài giảng tương tác sống động và cuốn hút
Đã qua rồi thời kỳ giáo dục “Thầy đọc, trò chép”, những yêu cầu của cuộc sống hiện đại đòi hỏi việc dạy và học trở nên chủ động và đa chiều hơn rất nhiều. Học viên giờ đây không chỉ học qua việc “nghe” và “đọc” một cách thụ động mà còn qua các hoạt động theo dõi, thực hành, thử và sai, thí nghiệm, giải quyết vấn đề, sáng tạo… tạo ra những trải nghiệm có giá trị, giúp học sinh nắm bắt và ứng dụng vấn đề một cách tốt nhất.
Với phần mềm phù hợp, chiếc bảng tương tác thông minh là một công cụ đắc lực để tạo ra những bài học, những trải nghiệm sống động và thu hút với học sinh. Chiếc bảng có thể trở thành đài quan sát thiên văn – nơi học viên có thể tìm hiểu các hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Nó có thể biến thành chiếc kính hiển vi, giúp các bạn khám phá thế giới của các tế bào… Nó cũng có thể là cỗ máy thời gian đưa các bạn nhỏ trở về quá khứ để tìm hiểu về loài khủng long, về cuộc cách mạng công nghiệp…
Làm chủ bục giảng
Không chỉ phục vụ học viên, chiếc bảng cũng là công cụ tuyệt vời, hỗ trợ người thầy trong lúc giảng bài. Được thiết kế để thay thế chiếc bảng đen truyền thống, chiếc bảng tương tác thực sự rất gần gũi với giáo viên. Giáo viên không cần loay hoay với con chuột, bàn phím, với điều khiển để chỉnh trang chiếu. Chỉ cần 1 cái chạm nhẹ, giáo viên có thể chuyển tới trang tiếp theo, về trang trước, hay nhảy đến một phần bất kỳ trong bài giảng. Một cái chạm khác, giáo viên có thể phóng to một tế bào, thu nhỏ Thái Dương Hệ, kết nối mạch điện, điều khiển tín hiệu đèn giao thông, hay đưa học sinh tham quan động Sơn Đoòng…
Giáo viên có thể lựa chọn giảng dạy nội dung nào trước, nội dung nào sau, mở rộng nội dung bài học, thay đổi ưu tiên buổi học ngay trên bục giảng mà không bị phụ thuộc vào trang chiếu powerpoint. Với bảng tương tác, giáo viên có thể giảng bài một cách tự tin và hoàn toàn chủ động trong tiến trình bài giảng và thực sự làm chủ bục giảng lớp học.
Xây dựng niềm đam mê học tập suốt đời
Bảng tương tác thật sự rất hấp dẫn đối với học sinh. Bạn hãy hình dung một ngày các em nhỏ bước vào lớp và thấy giáo viên, thay vì đang cặm cụi viết lên chiếc bảng phấn thông thường, lại đang sử dụng bảng tương tác kéo những chú sâu màu xanh màu đỏ vào những chiếc hộp tương ứng. Đối với các em đó không còn là một bài học về nhận diện màu sắc nữa mà là cả một thế giới sinh động và thú vị. Giờ học không còn khô khan, lý thuyết mà trở thành một trải nghiệm đầy hứng khởi với các học sinh.
Cô bạn tôi trước đây vốn không thích bảng tương tác vì như cô kể, trường của con cô thấy lớp nào cũng đầu tư 1 chiếc mà vẫn “trùm mền” trên tường bao lâu nay, chẳng biết có tác dụng gì.
Hồi cuối năm ngoái cô cho con đi học thử một lớp học kỹ năng sống dưới Cầu Giấy vào sáng thứ 7. Do bận việc nên cô không ở lại xem con học mà gửi con ở đó rồi hết giờ qua đón, cũng định bụng cho con học thử 1 buổi cho biết chứ cũng chưa nghĩ tới việc đăng ký.
Kể đến đây thì cô bật cười rồi nói với tôi, Quốc biết không, đúng 7 giờ sáng hôm sau, nó lay mình dậy đòi đi học. Chủ Nhật, hai vợ chồng còn đang ngủ nướng thì mở mắt ra đã thấy cu cậu đeo ba lô, mặc quần áo sẵn sàng rồi. Mình vừa buồn cười vừa ngạc nhiên vì con nhà mình có bao giờ đòi đi học như thế đâu. Rồi sáng nào dậy nó cũng hỏi mình là hôm nay đi học ở trường hay học lớp cô Thuỷ (lớp dạy kỹ năng sống). Thứ 7 tuần sau mình lại đưa nó đi học và ở lại tham dự lớp để xem cô giáo làm thế nào mà lại làm cho nó thích đi học thế. Hoá ra đến lớp cu cậu được cô cho “làm việc nhà” trên bảng tương tác, rồi cô đặt tình huống có 1 em bé đi lạc rồi cho các bạn lựa chọn phương án xử lý. Bạn nào chọn cách xử lý nào thì chọn ở trên bảng, mỗi phương án sẽ có 1 đoạn phim ngắn cho các bạn biết chọn như vậy sẽ dẫn đến kết quả hay hậu quả gì. Đúng là đến mình còn thích chứ đừng nói trẻ con. Đứa nào đứa nấy, khi học thì chăm chú, khi được lên bảng giải quyết tình huống thì hò reo nhảy múa. Về đến nhà thì con nhà mình xông ngay vào phòng dọn sạch sẽ đồ chơi theo như lời cô dặn!
Giảm thời gian lãng phí trong lớp học
Trong một lần dự giờ, đánh giá giáo viên tiếng Anh của một trường trung học tại Hà Nội, tôi chợt nhận ra rằng rất nhiều thời gian trong một tiết học đang bị lãng phí một cách vô ích. 1 giờ học tiếng Anh thông thường được diễn ra như sau:
- Sau khi kiểm tra bài cũ, giáo viên chép đáp án bài về nhà lên bảng rồi xoá bảng sau khi học viên chữa bài xong
- Giáo viên viết tên bài học ngày hôm nay cùng với từ vựng, mẫu câu hoặc các kiến thức quan trọng khác lên bảng.
- Giảng bài
- Tiếp tục xoá bảng để lấy chỗ chép bài tập lên cho học sinh thực hành…
- Viết bảng, xoá bảng, viết bảng…
Các môn khác cũng vậy, trung bình chúng ta mất 7 phút cho mỗi tiết học chỉ để viết, xoá, viết, xoá, rồi lại viết và xoá. Khi viết và xoá bảng, giáo viên buộc phải quay lưng lại với học sinh, dẫn tới mất giao tiếp bằng mắt. Hậu quả là trong lúc đó, học sinh thường làm việc riêng hoặc quay sang tán chuyện với bạn bên cạnh.
Ồ, nhưng 7 phút thì có đáng bao nhiêu thời gian đâu nhỉ? Trong 1 tiết học 45 phút thì 7 phút đó tương đương với 15% thời lượng học.
Nói một cách đơn giản, nếu giáo viên không phải viết và xoá bảng, nếu ta chỉ cần loại bỏ duy nhất 1 thao tác đơn giản đó thôi, thì hiệu suất buổi học lập tức tăng 15%. Hoặc ngược lại, nếu ta tận dụng thời gian đó cho học viên làm bài tập về nhà thì ta đã lập tức giảm tải cho học sinh 15% khối lượng công việc. Hiển nhiên là cách tính toán ra con số chính xác sẽ không đơn giản như vậy. Nhưng kể cả sau khi trừ hao rồi, tôi tin rằng bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đó vẫn là một con số đáng kể chỉ với việc loại bỏ 1 thao tác đơn giản như vậy.
Tiết kiệm được 5 phút trong buổi học tức là học sinh có thêm 5 phút để luyện nói tiếng Anh, để hỏi thày về 1 bài toán khó, để xem một trích đoạn phim về trận Điện Biên Phủ trên không…
Vậy với việc sử dụng bảng tương tác, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian này như thế nào?
Khi viết cuốn sách này, tôi và các bạn đồng nghiệp vừa kết thúc dự án triển khai phần mềm dạy tiếng Anh tương tác cho một số trung tâm tiếng Anh. Với hệ thống phần mềm này, giáo viên chiếu các trang sách giáo khoa lên bảng tương tác. Dạy tới phần nào, họ phóng to phần đó cho học viên thấy. Họ có thể khoang tròn đáp án đúng, tô đậm các kiến thức quan trọng ngay trên bảng tương tác. Chạm nhẹ vào bảng, chưa tới 1 giây sau đáp án lại biến mất để thế chỗ cho một trích đoạn thời sự của BBC. Tới phần thực hành, họ chiếu câu hỏi lên bảng, học viên lên làm trực tiếp trên bảng. Lại chạm nhẹ 1 cái, phần mềm cho biết ngay học viên làm đúng câu nào, và sai câu nào, đáp án chuẩn là gì, rất nhanh gọn.
Chính vì vậy mà cả giáo viên lẫn học viên đều rất hứng thú với việc dạy và học trên bảng.
Tiết kiệm công sức giáo viên
Khi một số nhà trường dần chuyển sang hình thức dạy học bằng máy chiếu, nhiều giáo viên đã phải rất vất vả để soạn giáo án và trang chiếu powerpoint sử dụng trên lớp. Cách dạy học của các thày cô giáo cũng phải thay đổi theo để phù hợp với việc sử dụng trang chiếu.
Chiếc bảng tương tác thì khác. Ngay từ khi được phát minh, nó đã được thiết kế với mục đích giáo dục được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy mà việc dạy học trên bảng tương tác, đối với người giáo viên mà nói, là hết sức tự nhiên.
Giáo viên có thể dùng ngón tay để thay phấn trắng, quét và chiếu toàn bộ hoặc 1 phần trang sách giáo khoa lên bảng thay vì dùng trang chiếu. Các công cụ như thước kẻ, ê-ke, compa, thước đo độ… cũng đều có sẵn trong phần mềm đi kèm với bảng. Giáo viên thậm chí có thể sử dụng những thao tác như dùng bút nhớ dòng, phóng to trang sách, liên kết tới một đoạn phim trên youtube, hay mở phòng thí nghiệm ảo trong phần mềm…